Không giống như thế hệ trước, các bạn là một thế hệ doanh nhân trẻ đi lên bằng công nghệ mới, bằng chất xám. Các bạn là những người dám mơ ước, dám vượt qua được giấc mơ của mình. Đó là những thứ đáng ngưỡng mộ, tôi sẽ rất ghen tị với các bạn nếu tôi bằng tuổi các bạn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại buổi gặp mặt cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp (start-up) Việt Nam diễn ra ngày 12/8.
Tham dự buổi gặp gỡ này còn ngoài PTT Vũ Đức Đam và đại diện khoảng 40 Doanh nghiệp khởi nghiệp còn có lãnh đạo của nhiều bộ ban ngành: Bộ Tài chính, bộ Kế hoạch Đầu tư, bộ Khoa học Công nghệ, Tổng công ty vốn Nhà nước SCIC,...
Tại buổi họp nhiều trăn trở, băn khoăn trong quá trình lập nghiệp đã được chia sẻ. Môi trường đầu tư, cơ chế chưa thực sự rõ ràng khiến không ít doanh nhân trẻ phải đăng ký kinh doanh tại nước ngoài, dù công ty hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, việc đăng ký kinh doanh tại Singapore lại được nhắc đến như một giải pháp lý tưởng cho các Doanh nghiệp Việt muốn khởi nghiệp một cách thuận lợi hơn.
Công nghệ là xu thế tất yếu
Kể từ những năm 1990, startup đã là xu thế phát triển trên thế giới. Đây là những công ty công nghệ hình thành nên từ những ý tưởng, đưa ra những giải pháp mới thúc đẩy sự phát triển của thế giới. Có thể kể tới những cái tên như Intel, Facebook hay Google.
Làn sóng đầu tư vào công nghệ lại tiếp tục bùng nổ sau bong bóng dotcom. Những công ty công nghệ tiềm năng như Uber hay Airbnb có thể gọi vốn đến hàng chục tỉ USD chỉ sau một thời gian ngắn.
Tại Việt Nam, startup mới chỉ bắt đầu manh nha khoảng mười năm trở lại đây, nhưng nhờ sự phát triển không ngừng của hạ tầng viễn thông và sự bùng nổ của mạng Internet, đã xuất hiện những startup thành công như VNG hay VCCorp đã phát triển và trở thành những công ty trị giá hàng trăm triệu đô la.
Làn sóng khởi nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây khi ngày càng nhiều startup mới nổi xuất hiện: Giaohangnhanh, Topica, Foody, Tiki,… với sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại như IDG, CyberAgent, VinaCapital, và cả quỹ đầu tư trong nước như Seedcom.
Nếu so về quy mô, các startup tại Việt Nam chưa thể gọi là lớn, đa phần là các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, cũng giống như thế giới, điều mà Chính phủ quan tâm tới cộng đồng startup đến từ tiềm năng phát triển của nó nhiều hơn là những gì nó đang thực sự đóng góp. Để cộng đồng những startup có thể thực sự phát triển mạnh mẽ, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ là không thể thiếu. Đó là lý do Phó Thủ tướng và những quan chức cao cấp của Chính phủ có mặt trong buổi gặp gỡ này.
Mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh nếu có sự tham gia của Chính phủ.
Phạm Kim Hùng, sáng lập TechElite, đồng thời là một thành viên của dự án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (VSV) chia sẻ, Nếu nhìn vào sự phát triển của thung lũng Silicon, có thể thấy startup chính là trái tim của sự phát triển. Các công ty lớn rất giỏi về một vấn đề, nhưng để đột phá thì phải là startup. Google, Facebook là những startup thay đổi thế giới như vậy.
Anh Trình Tuấn, nhà sáng lập của Babyme chia sẻ, khi thành lập startup tại Việt Nam, anh đã gặp rất nhiều khó khăn để tiếp nhận được vốn của nước ngoài. Cuối cùng, anh phải đi đường vòng là thành lập một công ty khác ở Singapore, công ty Việt Nam chỉ hoạt động trên danh nghĩa là outsourcing cho công ty này. Như vậy, tất cả những gì làm ra được ở Việt Nam thì lại phải đổ về công ty ở Singapore. Nhiều quốc gia đã hỗ trợ cho kinh tế khởi nghiệp rất tốt. Hàn Quốc còn có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp toàn cầu, không chỉ là ở nước họ. Chính phủ Singapore cũng đầu tư cho khởi nghiệp, họ sẵn sàng bỏ 10 mất 7. Nếu Việt Nam không nhận ra cơ hội này thì sẽ còn chảy chất xám rất lớn. Ở nước ta, mọi tài nguyên đều có giới hạn, than, dầu mỏ không thể đào mãi lên để bán được. Việt Nam là nước chưa phát triển, nhưng cần có những bước đi trước để rút ngắn quá trình này”.
Anh Trình Tuấn cũng chia sẻ thêm, tại VN đang có sự bất cập, đó là các thông tin hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp được hướng dẫn trực tuyến nhưng khi nộp vẫn phải sử dụng văn bản giấy, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp rất lâu. Trong khi đó, như tại Singapore, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại quốc gia này chỉ mất khoảng 3 ngày và các khoản phí đều cho phép được thanh toán trực tuyến.
Còn anh Trần Anh Dũng (Tổng Giám đốc MOG) thẳng thắn nêu quan điểm: “Vấn đề gọi vốn cho một nhà đầu tư vào rất khó khăn, tuy nhiên khi đã gọi được vốn lại gặp nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến giấy chứng nhận đầu tư, thời gian có khi lên tới 6 tháng. Đây được xem là bất cập lớn, cần được Chính phủ xem xét, có cơ chế giải quyết phù hợp”.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hải, công ty Becamex IDC chia sẻ: Khoảng 10 năm sống và làm việc ở nước ngoài, mô hình DN khởi nghiệp đã rất thành công ở nhiều nước. Sau hơn 3 năm tiếp xúc với hơn 400 công ty khởi nghiệp, tôi rất thấu hiểu được những khó khăn hàng ngày của họ. Từ thủ tục huy đông vốn cho đến các thủ tục hành chính khác cho hoạt động khởi nghiệp. Vừa rồi, có một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp làm thủ tục kéo dài 3 tháng vẫn chưa xong. Đi làm đăng ký DN mà trồng cây này, cây kia lại có một mã kinh doanh khác nhau. Lên Sở thì họ bảo, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có rồi nhưng hướng dẫn chưa có.
Ở góc độ khác, Ông Nguyễn Ngọc Điệp (CEO của Vatgia) chia sẽ tình huống khi điều hành một website thông tin điện tử tổng hợp. Ông cho hay gần như tháng nào đơn vị cũng bị phạt 20-30 triệu đồng do nội dung được cho là không phù hợp. Không thể duy trì hoạt động, ông đã phải trả lại tên miền cho Nhà nước, phần dữ liệu bán cho đối tác và chuyển máy chủ sang Singapore. Hiện, website đang hoạt động rất hiệu quả, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng, ông nói.
Lời hứa của Vị đại diện chính phủ
Sau khi lắng nghe những chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Startup, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ bàn bạc với các bộ, ban ngành liên quan. Dù đó không phải là những vấn đề dễ dàng, phải tháo gỡ dần, nhưng sẽ có cách. Đừng để chỉ vì chính sách thuế không phù hợp mà nhiều cá nhân start-up ngồi ở Việt Nam, ăn cơm Việt nhưng lại mở công ty ở nước ngoài và đóng thuế cho nước ngoài. Cùng đó, Phó thủ tướng cũng gợi ý Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xem xét đầu tư vốn cho mô hình, lĩnh vực start-up tiềm năng. Có thể chúng ta sẽ phải nghiên cứu lại xem, SCIC có thể đầu tư khởi nghiệp song hành cùng những người khổng lồ không. Chỉ cần móng tay của người khổng lồ là sẽ giúp ích được cho DN khởi nghiệp. Nhưng chắc chắn, nếu dùng cơ chế đầu tư dự án nào cũng phải bảo toàn vốn thì sẽ rất khó mà phải nhìn tổng thể.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh với lãnh đạo các bộ ngành: Phải nghĩ cho anh em khởi nghiệp. Còn đợi khi làm đề án xong thì có khi có những thứ không thể xơi được.
Tới đây, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ mở thêm “cửa sổ” website cổng thông tin điện tử của chính phủ để tiếp thu phản ánh của cộng đồng Startup. Từ đó, sẽ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải đáp thông tin cũng như tìm hướng tháo gỡ cho phù hợp. Chúng ta phải hướng đến môi trường chuyên nghiệp như cổng dịch vụ công trực tuyến của Singapore, Pháp. Trong đó, Pháp chia 90 nhóm, Singapore trên 600... Các bạn xem mình có sản phẩm gì thì kiến nghị để tới đây, Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc hoàn hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến”
Phó Thủ tướng chia sẻ: “Các bạn không thành công cũng là thành công, tại vì chính sự không thành công của các bạn và những người đi trước sẽ làm nên thành công của những người đi sau. Tôi mong muốn chúng ta phải cùng nhau và phải làm sao cho cộng đồng của chúng ta kết nối lại với nhau, lan tỏa”.